TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ông

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ông Hirohide Sagara, đồng Chủ tịch VBF và ông Funayama Tetsu, đồng Chủ tịch luân phiên VBF tại Họp báo trước thềm VBF 2017 kỳ cuối.

Những điều kiện trên cũng đã tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển và chứng minh được vai trò của khu vực tư nhân trong sự phát triển của nền kinh tế.

Chia sẻ tại Họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kỳ cuối năm 2017, được tổ chức mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “APEC Việt Nam 2017 là phép thử năng lực và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân”.

Chia sẻ về câu chuyện này, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, nếu trước đây, khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC vào năm 2006, Chính phủ Việt Nam phải bỏ hoàn toàn chi phí trong việc đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị, mua xe cho sự kiện này. Tuy nhiên, trong công tác tổ chức APEC Việt Nam 2017, doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị, mua xe về và Chính phủ thuê lại. Điều này đã cho thấy một minh chứng thành công cho quá trình xã hội hoá dịch vụ công đã được khu vực tư nhân thực hiện tốt, chỉ cần trao cho họ cơ hội và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ví dụ từ câu chuyện của APEC là một minh chứng thu nhỏ cho những đóng góp của khu vực tư nhân trong sự phát triển của nền kinh tế sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Và kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam là 1 trong 4 nền kinh tế có sức hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bên cạnh Hoa Kỳ, Indonesia và Trung Quốc.

Có được điều này, ngoài những tác động từ thể chế, thủ tục hành chính phải kể đến các hoạt động M&A. Trong đó, các hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A.

Đồng tình với quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, ông Hirohide Sagara, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, bên cạnh việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá để đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì cần phải duy trì được môi trường kinh doanh với các điều kiện kinh doanh tốt, giảm chi phí, tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng là những giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Ông Hirohide Sagara cũng chia sẻ về những khó khăn mà quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải. “Vì vậy, một trong những chủ đề chính của VBF kỳ cuối năm 2017 là thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân bên cạnh hai chủ đề là nâng cao năng suất và cải cách thủ tục hành chính”, ông Sagara cho biết thêm.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cắt giảm thủ tục hành chính trong thời gian vừa qua, ông Funayama Tetsu, đồng Chủ tịch luân phiên VBF cho biết, những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đó là môi trường chính trị ổn định, kinh tế phát triển, dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào. Và theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản về môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam 2017, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.