Thủ tướng đối thoại với nông dân: Nông dân cần gì nhất ở Chính phủ?
“Nếu hỏi nông dân rằng bây giờ họ cần gì ở Chính phủ nhất, chắc chắn nông dân sẽ nói: cần nhất là thị trường, cần hỗ trợ bán hàng và tôi nghĩ chúng ta nên tập trung làm tốt việc này”.
TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn.
Đó là nhận định của TS. Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn khi trao đổi với PV Báo NTNN trước thềm Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào ngày 9/4 tại Hải Dương.
Dưới góc nhìn của mình, ông có thể đánh giá thời gian qua Chính phủ đã làm được gì cho lĩnh vực tam nông?
-Lĩnh vực tam nông có rất nhiều mảng, trong đó có 2 lĩnh vực chính mà Chính phủ đã làm rất tốt. Thứ nhất là về nông nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và bộ máy của chúng ta đã mạnh dạn thúc đẩy quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất, rõ nhất là mạnh dạn linh động hoá việc sử dụng đất lúa.
Nhiều năm qua đất lúa đã bị “cưỡng” vào một quy định là không ai được động chạm tới. Chủ trương này làm lợi cho sản xuất lúa gạo, nhưng lại cản trở khả năng đa dạng hoá sản phẩm nông sản, hạn chế khả năng tăng thu nhập nông dân (ND).
Nhận thức được điều này, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến nhiều tỉnh ĐBSCL, miền Trung, các tỉnh miền núi để tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ Bộ Nông nghiệp, mở đường cho các địa phương điều chỉnh đáng kể cơ cấu sản xuất theo hướng bỏ bớt những vùng sản xuất lúa không hiệu quả hoặc có khả năng sản xuất những ngành khác có lợi hơn.
Nhiều hộ nông dân ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã bỏ trồng lúa, mía chuyển sang trồng cây ăn trái. Ảnh minh hoạ
Nhờ đó, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã tăng mạnh, trong đó việc thúc đẩy ngành nuôi tôm là một hướng đi rất đúng, khai thác đúng lợi thế của đất nước và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Cây ăn quả cũng được mở rộng sản xuất, đặc biệt là cây có múi, góp phần đưa trái cây Việt Nam xuất khẩu tới nhiều thị trường mới.
Ngoài ra, Bộ Công thương và các địa phương đã cùng Bộ Nông nghiệp có những bước tiến mới thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Trong các chuyến thăm của Đảng và Chính phủ liên tục có các hoạt động quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại, có doanh nhân đi cùng, có nhiều hoạt động đàm phán nhằm khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Chính phủ cũng thường xuyên quan tâm, nhắc nhở các tham tán thương mại hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước.
Thứ hai, phong trào xây dựng nông thôn mới đã có bước đổi mới quan trọng. Các tiêu chí cứng trước đây đã được đa dạng hoá, uyển chuyển theo tình hình địa phương, tập trung hơn vào mục tiêu tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người ND.
Mỗi khi có thiên tai, biến cố trong đời sống sản xuất của nhân dân thì các vị lãnh đạo xuất hiện kịp thời đốc thúc cả hệ thống chính trị hỗ trợ nhân dân xử lý tình huống, giải quyết hậu quả. Tôi cho rằng công việc này đã tạo ra được hình ảnh người lãnh đạo gần dân.
Đó cũng là những điểm thành công nhất trong thời gian qua mà tôi thấy Chính phủ đã làm cho người ND.
Sơ chế sản phẩm rau an toàn tại HTX rau Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Thu Hà
Phải chăng còn rất nhiều vấn đề căn bản của người ND vẫn chưa đáp ứng, bởi thực tế sản xuất của bà con vẫn vô cùng bấp bênh, rất nhiều cuộc giải cứu nông sản đã diễn ra. Theo ông, Chính phủ cần có những giải pháp như thế nào?
-Về chuyện được mùa - mất giá, tôi muốn nói như sau: Khó khăn nhất của các nước giai đoạn đầu phát triển thường là không có nông sản, đói ăn, các nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống hạn chế nên Chính phủ và nhân dân phải dồn sức đẩy mạnh sản xuất, các chính sách như thuỷ lợi, khuyến nông, tín dụng, khoa học công nghệ… đều nhằm thúc đẩy sản xuất.
Nhưng đến một thời gian nhất định, sẽ xảy ra tình huống cung bằng cầu và vượt cầu thì mọi quốc gia đều phải hướng đến vấn đề tiêu thụ. Lúc đó, điều lo lắng nhất của Nhà nước và toàn dân lại là tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đến lúc này, hoạt động của Nhà nước là phải kịp thời chuyển từ thúc đẩy sản xuất sang điều chỉnh sản xuất và mở mang thị trường để duy trì cân bằng cung - cầu, không xảy ra thừa ế nông sản. Tăng trưởng nông nghiệp dựa vào diện tích và sản lượng chuyển sang tăng giá trị và hiệu quả. ND phải chuyển từ sản xuất rẻ, nhiều sang chất lượng, an toàn, hiệu quả và giữ gìn môi trường.
Nước ta thời gian qua đã đi qua giai đoạn này, nhưng tốc độ đi lên của nhân dân trong sản xuất kinh doanh lại đi nhanh hơn hướng quản lý, hỗ trợ của Nhà nước.
Mô hình trồng dưa trên đất lúa chuyển đổi ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá). I.T
Nhà nước dù đã thay đổi rất nhiều nhưng vẫn chưa biết lo tiêu thụ sản phẩm như quen với thúc đẩy sản xuất. Cả về kết cấu tổ chức, chức năng dịch vụ công vẫn nặng về sản xuất hơn là phần sau thu hoạch.
Tôi nghĩ thừa cung là mâu thuẫn của quá trình phát triển mà nhiều nước đều phải trải qua, cần quyết tâm điều chỉnh lại không chỉ riêng kết cấu ngành sản xuất nông nghiệp. ND trông đợi Nhà nước tập trung vào các thông tin thị trường, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đàm phán, đấu tranh quốc tế để phát triển thị trường….
Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân gây thừa cung là do ND sản xuất không theo quy hoạch, làm ăn theo phong trào, cảm tính?
-Chúng ta hay quy mọi chuyện cho vấn đề quy hoạch, đó là cách nghĩ thời kinh tế kế hoạch. Trong cơ chế thị trường, quy hoạch chỉ mang nội dung định ra các cân bằng chính như cung - cầu, yêu cầu dùng nước, sử dụng năng lượng, cân đối sản xuất nguyên liệu - năng lực chế biến… chứ không phải quy hoạch là vẽ bản đồ khoanh ra các vùng sản xuất cứng, các công thức kỹ thuật cứng, các mục tiêu để mọi thành phần kinh tế phải tuân theo.
Trong năm 2017, cuộc "đại khủng hoảng" đã xảy ra với người chăn nuôi heo khi giá heo liên tục giảm sâu dưới giá thành, có thời điểm chỉ còn 17.000 - 20.000 đồng/kg heo hơi. Ảnh: T.L
Vì trong thực tế đời sống có quá nhiều yếu tố thường xuyên biến động như tiến bộ kỹ thuật, biến đổi khí hậu, thay đổi chính sách, khả năng đầu tư, và nhất là thị trường…Chưa kể đến thông tin quy hoạch không minh bạch, không có chính sách đi kèm quy hoạch.
Cách quản lý hiện đại là cung cấp đầy đủ thông tin để mọi tác nhân có trách nhiệm điều chỉnh hành vi của mình, và tự chịu trách nhiệm. Trên đài, báo, qua cán bộ, doanh nghiệp ND có thể biết thời tiết, cảnh báo thiên tai, truyền bá kỹ thuật nhưng rất ít tin về thị trường.
Nếu hỏi ND cần gì ở Chính phủ nhất, chắc chắn ND sẽ nói: Cần nhất là thị trường; và tôi nghĩ Chính phủ nên tập trung làm tốt việc này và nếu quyết tâm thì sẽ giúp được ND biết nên nhắm vào thị trường nào, từ đó biết là được khách hàng của mình là ai, yêu cầu hàng hoá gì, chấp nhận giá bán như thế nào, bao bì đóng gói ra sao, mình sẽ phải cạnh tranh với những ai… Từ đó, họ có thể chủ động tiến - lùi với quan hệ cung cầu, điều chỉnh quy mô, nội dung sản xuất. |
Trong khi đó, nông sản, lao động của Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường địa phương mà đã hội nhập quốc tế, bởi người tiêu thụ nông sản, người sử dụng lao động có thể ở cách anh ND hàng chục ngàn km, ở bên kia địa cầu. Đối thủ cạnh tranh của ND cũng không còn là anh hàng xóm, mà ở quốc gia khác. Yếu tố quyết định giá nông sản, lao động cũng không chỉ có cung - cầu mà còn chính sách thương mại, môi trường, xã hội,…
Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài được, mà đã đến lúc thay đổi cách quản lý ở bên trên để phù hợp với tình hình sản xuất ở bên dưới. Cần thể hiện vai trò của một Nhà nước kiến tạo với những hành động căn cơ hơn là các giải pháp tạm trữ, giải cứu.
Điều chỉnh bộ máy quản lý là rất, rất khó nhưng nếu chúng ta quyết tâm hành động, tập trung đầu tư thì chắc chắn sẽ làm được.
Chính phủ thay đổi, và bản thân người ND cũng phải thay đổi, thưa ông?
-ND Việt Nam đã làm được những điều ND nước khác phải nể phục, như áp dụng các biện pháp thâm canh lúa đạt năng suất cao hơn cả viện nghiên cứu, họ cõng đất lên núi đá trồng cây, bắt cá sông vào nuôi thâm canh trong ao hồ,… nhưng muốn nâng cao đời sống thì bà con vẫn chỉ biết mở rộng sản xuất, dựa vào thông tin từ anh hàng xóm, hoặc lắng nghe từ ông thương lái.
Nghề buôn bán vượt khỏi năng lực thiên bẩm của ND. Điều này chắc chắn người ND chưa thể làm được vì ngay cả doanh nghiệp cũng còn tránh, 99% doanh nhân chưa dám vào đầu tư trong nông nghiệp.
Nói rằng họ chưa làm được vì ND Việt Nam còn rất nhỏ, rất riêng lẻ. Nhưng nếu anh ND này lớn lên, liên kết được với nhau thì họ sẽ trở thành người ND sản xuất lớn hiện đại và sẽ làm được mọi việc kể cả chuyện chế biến, kinh doanh nông sản, vật tư. Đây là thực tế của nhiều nền kinh tế trên thế giới như Đài Loan, Hàn Quốc,…
Nhưng họ muốn thành công thì bước khởi nghiệp phải có vai trò của nhà nước và thuở ban đầu, khi anh ND còn nhỏ thì rất cần Nhà nước đỡ đần, hỗ trợ trong việc tích tụ đất đai, tích lũy tư vấn đầu tư, tổ chức HTX… Nếu môi trường chính sách biến sản xuất nông nghiệp thành có lãi, ít rủi ro thì không cần khuyến khích, doanh nghiệp cũng sẽ đầu tư vào. Nếu có nhiều hợp tác xã thì liên kết ND – doanh nhân sẽ tự khắc phát triển. Vấn đề thị trường sẽ được giải quyết một cách căn bản.
Đây chính là vai trò của Nhà nước, Chính phủ kiến tạo.
Xin cảm ơn ông!
Nông dân phải chủ động thay đổi làm được 2 việc Về phía mình, người ND càng phải chủ động thay đổi để làm cho được 2 việc. Một là người ND phải lớn lên, đất đai phải to ra, chăn nuôi phải nhiều đầu con để tiến tới sản xuất hàng hoá lớn, đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường. Thứ hai là người ND phải liên kết với nhau, trong liên kết đó chia ra người có nhiệm vụ tìm hiểu thị trường, người tìm cách bán hàng, xây dựng các HTX mua chung, bán chung. Nếu một số người ra đồng sản xuất bằng máy móc thì sẽ có nhiều người dành ra đi chế biến, đi bán hàng, phát triển thị trường. Và muốn sống, muốn giàu, muốn ra khỏi nông nghiệp được, người ND phải làm việc mà mình chưa quen, đó là kinh doanh. Giúp nông dân tích lũy thành trang trại, liên kết thành hợp tác là nhờ ở chính sách của Chính phủ. TS Đặng Kim Sơn |
http://danviet.vn
Ý kiến của bạn