Trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa” nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ
TĐO - Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, về những người con trung hiếu, đã hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc.
Hòa chung các hoạt động trên khắp cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chính thức tổ chức trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa”.
Trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa” giới thiệu tới công chúng hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật khắc họa lý tưởng sống cao đẹp, đầy hoài bão của các bậc tiền bối trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong hành trình đấu tranh thực hiện khát vọng tự do, hàng triệu người Việt Nam yêu nước đã sẵn sàng hiến dâng cuộc sống để Tổ quốc được trường tồn. Máu, nước mắt, tuổi trẻ, hạnh phúc riêng tư và cả tính mạng đã được họ nguyện đánh đổi để tô thắm ngọn cờ cách mạng.
Trưng bày gồm 3 nội dung: Khát vọng tự do, Thép nơi ngục lửa và Nặng nghĩa tri ân, tình người thắm đượm.
“Khát vọng tự do” luôn là mong ước ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Dù gặp muôn vàn khó khăn trong trận chiến trực diện với kẻ thù, các chiến sỹ yêu nước, cách mạng vẫn luôn giữ vững chí khí của người cộng sản, chiến đấu với tinh thần lạc quan Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi chỉ để thực hiện giây phút đoàn tụ ước mơ, Bắc – Nam sum họp.
“Thép nơi ngục lửa” là nội dung chính, tôn vinh những tấm gương trung kiên. Gương sáng của những chí sỹ như: Đặng Đình Nhân, Nguyễn Tri Bình, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thái Học... giữa sự sống và cái chết cận kề nhưng ánh mắt của họ vẫn ngời sáng, không hề phảng phất chút sợ hãi.
Mặc dù bị kẻ địch bắt giam ở nơi “địa ngục trần gian” như: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo… cùng với nhiều hình thức tra tấn, đọa đày, nhưng các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu… vẫn kiên tâm, bền chí, vững niềm tin son sắt vào lý tưởng cách mạng.
Chiến tranh còn là nguyên nhân chia ly của tình yêu đôi lứa nhưng Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau. Giữa mảng tối của sự khổ đau, tình yêu đã vượt lên trên tất cả. Câu chuyện tình yêu của các chiến sỹ: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái, Hoàng Văn Thụ và Phạm Thị Vân, Nguyễn Văn Trỗi và Phan Thị Quyên đã được lựa chọn để giới thiệu. Nhớ nhung, đợi chờ trong những ngày tháng chia xa nhưng khi có dịp gặp nhau chẳng được một lần đứng gần, không được chạm vào tay nhau, cũng không có cơ hội được nói lời yêu thương. Họ phải nuốt tận đáy lòng tình cảm ấy vì trong trái tim mỗi người luôn dành một phần lớn cho tình yêu Tổ quốc.
Những anh hùng đã ngã xuống khi ở lứa tuổi thanh xuân, quãng thời gian đẹp nhất của đời người chỉ để thực hiện hoài bão như lời anh Lý Tự Trọng: Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Câu nói đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước cho triệu triệu trái tim tuổi trẻ Việt Nam.
Người con của Hà Nội – Nguyễn Hoàng Tôn đã không khuất phục trước đòn roi tra tấn dã man, không lung lay trước những lời dụ dỗ mua chuộc của kẻ thù vẫn quyết không khai, không xin ân xá. Anh dũng cảm bước lên máy chém của quân thù khi chưa tròn 18 tuổi.
Võ Thị Sáu – người con gái huyền thoại vùng Đất Đỏ trước bản án tử hình của kẻ thù vẫn hiên ngang: Đi giữa hai hàng lính/Vẫn ung dung mỉm cười/Đầu ngẩng cao bất khuất/Ngay trong phút hy sinh.
Anh Phạm Hướng – người đã quyết tâm vượt ngục Côn Đảo bằng đường biển nhưng chẳng thể trở về để thực hiện ước mơ giành hòa bình cho đất nước. Nơi biển xanh sâu thẳm, vẫn còn lưu lạc phần xương thịt của anh. Mỗi lần sóng biển Côn Đảo vỗ dạt dào lại như nhắc nhở mỗi chúng ta ký ức về một thời anh đã sống, đã chiến đấu, đã lạc quan trước mọi khắc nghiệt của cuộc sống tù ngục và hy sinh anh dũng như thế.
“Nặng nghĩa tri ân, tình người thắm đượm” là nội dung kết lại của chuyên đề. Với truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh – Liệt sỹ, ngày để toàn dân tộc Việt Nam ghi nhớ, tôn vinh công lao của các anh hùng, liệt sỹ, thương, bệnh binh và những gia đình có công với cách mạng với ý nghĩa lịch sử chính trị, xã hội sâu sắc.
Dịp này, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò (1930 – 1954) phối hợp với Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã vận động, thành lập “Quỹ tri ân các cựu tù chính trị” nhằm giúp đỡ các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn.
BTC hy vọng, trong thời gian tới, công việc này sẽ được nhân rộng và lan tỏa hơn nữa tới công chúng, góp phần vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của những cựu tù chính trị – những người đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa” kéo dài đến hết ngày 30/9, tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn