DNNN làm 2 ăn 1, 90% lợi nhuận chi lương bổng, lao động trình độ cao được trả lương thấp
Những nhận xét trên được các lãnh đạo Bộ, ban ngành báo cáo lên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc mới đây về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.
Những nhận xét trên được các lãnh đạo Bộ, ban ngành báo cáo lên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc mới đây về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.
Đối với Đề án lần này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải hướng tới mục tiêu kép, bao gồm: xử lý tồn đọng, yếu kém của hoạt động tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2015 và nâng cao hiệu quả, hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các Bộ liên quan tiếp tục đánh giá hiệu quả hành lang pháp lý trong hoạt động của DNNN, từ đó bịt kín các kẽ hở cũng như tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển trong bối cảnh không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu DNNN.
Một vấn đề quan trọng khác được Phó Thủ tướng đặt ra trong quá trình tái cơ cấu là phải gắn kết chặt chẽ với việc xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém.
“Tái cơ cấu ngân hàng đã có Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thực hiện. Nhưng với tái cơ cấu DNNN hiện nay, tự các Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện và được đánh giá không đầy đủ. Tới đây, tái cơ cấu DNNN được thực hiện theo hệ thống dọc thì việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện rõ ràng, gắn kết chặt chẽ với việc xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Trước vấn đề mà Phó Thủ tướng nêu ra, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp dẫn số liệu của Bộ bổ sung: “Thời gian qua, nhiều DNNN làm được 2 đồng thì “ăn” 1 đồng, dành tới 90% lợi nhuận để chi trả cho vấn đề lương bổng. Thế nên mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu không đạt được”.
Không dừng lại ở đó, Thứ trưởng cho biết thêm nhiều DNNN trước khi cổ phần hoá chỉ có 5 phòng chức năng, nhưng sau khi cổ phần xong thì tăng gấp 3 số phòng do cổ phần hoá không thực chất, vốn nhà nước còn nhiều. Vị Thứ trưởng này cho rằng đây cũng là những vấn đề yếu kém của DNNN cần phải khắc phục. Theo đó, Đề án cần đặt ra mục tiêu cụ thể, định lượng về tái cơ cấu DNNN trong 5 năm tới.
Còn bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ tiền lương – Lao động (Bộ LĐTB&XH) thì chỉ ra nghịch lý. Theo đó, DNNN đang trả lương cho lao động có trình độ thấp cao hơn 1,3 lần so với thị trường bên ngoài, còn lai động trình độ cao thì lại được hưởng lương thấp hơn so với mặt bằng thị trường chung. Do đó, Vụ trưởng Vụ tiền lương kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức, đổi mới cơ chế giá vốn cho DNNN theo hình thức thuê vốn đi kèm các điều kiện ràng buộc để DNNN tự chủ trong trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Đối với vấn đề sắp xếp DNNN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích cũng nên để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với DNNN.
“Trong hoạt động công ích như chỉnh trang đô thị, cấp nước, nếu có doanh nghiệp tư nhân xin tham gia đầu tư, kinh doanh với kế hoạch kinh doanh bài bản, hiệu quả hơn thì chính quyền phải ủng hộ và DNNN phải “nhường sân” cho doanh nghiệp tư nhân. Cơ chế này sẽ thể hiện đúng tinh thần DNNN chỉ tham gia lĩnh vực tư nhân không làm được”, Thứ trưởng Đông cho biết.
http://cafef.vn
Ý kiến của bạn