Thủ tướng: Đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia
Trong khuôn khổ tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2017, sáng 19/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”.
Trong khuôn khổ tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2017, sáng 19/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên thảo luận. Ảnh: VGP |
Thủ tướng cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cơ bản phương thức tạo ra của cải vật chất và vì thế cũng sẽ thay đổi cả tương lai của nhân loại.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có đặc trưng là sự sáng tạo tạo nên đột phá của nhiều lĩnh vực công nghệ mới, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nâng cao năng suất và sức cạnh tranh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các ngành chế tạo hiện chiếm khoảng 15% GDP và gần 17% lực lượng lao động toàn cầu, cùng với các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thông tin..., ngành chế tạo sẽ là động lực chủ yếu của tăng trưởng toàn cầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng những nước đang phát triển đi sau, nếu biết tranh thủ cơ hội và có chiến lược phát triển đúng đắn, có thể phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, từ nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thu nhập trung bình có nền kinh tế thị trường, đang phát triển năng động và hội nhập ngày càng sâu rộng. Thủ tướng nhìn nhận không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nêu rõ, Việt Nam đang tập trung vào một số định hướng. Đó là, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học-công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia. Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Việt Nam bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp.
Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập trong một năm, bình quân một giờ đồng hồ có 12 doanh nghiệp mới ra đời. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp, hỗ trợ khoảng 600 doanh nghiệp với 2.000 dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới, sáng tạo. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ để trở thành động lực của tăng trưởng bền vững.
Với khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động, Việt Nam sẽ ở thời kỳ dân số vàng trong ít nhất 20 năm nữa. Do đó, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo nhằm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao với một xã hội học tập suốt đời. Hiện có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet, dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là những nền tảng và lợi thế rất quan trọng mà nhiều tập đoàn công nghệ cao như Fujitsu, Intel, Samsung, Siemens, Acatel... đang tranh thủ để mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở trong nước. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN, đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 hiệp định FTA mới, trong đó có Hiệp định RCEP, ủng hộ hợp tác phát triển hạ tầng của Ngân hàng ADB, hợp tác "Mekong - Lan Thương", hợp tác "Một vành đai, Một con đường". Điều đó giúp Việt Nam tiếp cận thị trường của 55 đối tác, gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Năm 2017, Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”; các hoạt động và hội nghị của APEC 2017 sẽ tập trung thảo luận việc thúc đẩy liên kết kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Thủ tướng cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi, kết nối hợp tác đầu tư, thương mại.
http://vietnamnet.vn
Ý kiến của bạn