Doanh nghiệp muốn lớn
Nhiều doanh nghiệp đang rất khổ sở với những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, can thiệp vào thị trường, làm méo mó cạnh tranh, tạo cơ hội cho sự tùy tiện của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước.
Chính phủ đang lấy những tiêu chuẩn, tiêu chí của các nền kinh tế đi trước làm mục tiêu cho các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh |
Thực tế cho thấy, những quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện, chi phí cho doanh nghiệp của Chính phủ và những thành tựu bước đầu trong cải thiện hệ thống quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thời gian gần đây chưa đủ để khỏa lấp nỗi khổ sở này.
Minh chứng là, vẫn có tới 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số Niềm tinhdoanh nhân (CEO.CI) năm 2017 cho biết từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, tỷ lệ lỡ cơ hội vì lý do này là 47%; trong nông nghiệp là 46%.
Còn bao nhiêu doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, đóng cửa sau một thời gian kinh doanh vì không thể lý giải nổi tại sao phải thuê mặt bằng lớn, đầu tư trang thiết bị quy mô, phải trình duyệt các phương án kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước…
Còn bao nhiêu doanh nghiệp không thể sáng tạo, không dám sáng tạo khi các quy định của điều kiện kinh doanh thường mô tả chi tiết, cứng nhắc cách thức sản xuất, kinh doanh, bởi nếu sáng tạo, làm khác đi để lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn, thì họ sẽ bị phạt vì không tuân thủ quy định pháp luật.
Rủi ro kinh doanh bởi các điều kiện kinh doanh khó dự liệu, không thể kiểm soát, khiến nhiều doanh nghiệp không muốn lớn, không dám lớn. Khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trở thành mục tiêu rất xa cũng có nghĩa, mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng không thể gần.
Vào thời điểm này, Chính phủ đang lấy những tiêu chuẩn, tiêu chí của các nền kinh tế đi trước làm mục tiêu cho các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ không ngần ngại nhìn thấy vị trí còn thấp của nền kinh tế Việt Nam trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh.
Điều này cũng có nghĩa, Chính phủ không muốn và cũng không né tránh những khác biệt về điều kiện kinh doanh của Việt Nam so với các chuẩn mực, thông lệ tốt của thế giới.
Thử soi vào các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khi nhắc tới các thể chế về kinh doanh trong Danh mục Đánh giá cạnh tranh OECD.
OECD quy định không đưa ra các quy định hạn chế số lượng doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường; không quy định hạn chế lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động giữa các vùng; không hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; không làm giảm cộng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; không hạn chế sự lựa chọn và hạn chế thông tin đối với người tiêu dùng… Chiếu theo những nguyên tắc trên, các điều kiện về địa điểm, năng lực sản xuất; điều kiện về nhân lực; phương thức kinh doanh… trong các quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam đều chưa tuân thủ nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh.
Song điều đó cũng có nghĩa là sẽ có giải pháp chấm dứt tình trạng trên. Đó là cần thay các điều kiện có tính tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn; chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.
Đi kèm yêu cầu trên, cần có tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước. Ngoài ra, cần hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và tự bảo vệ mình… Điều quan trọng hơn là sự đổi mới về tư duy và phương thức quản lý nhà nước với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của các cơ quan quản lý sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, thêm hoài bão kinh doanh.
Đây chính là những doanh nghiệp mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn