Gần 3 tỷ USD “đổ” vào Việt Nam qua góp vốn, mua cổ phần
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong vòng 1 năm qua các nhà đầu tư đã chi gần 3 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt.
Con số này đã chứng minh cho sự sôi động của thị trường mua bán, sáp nhập tại Việt Nam thời gian qua.
Lần đầu tiên Cục Đầu tư nước ngoài đã công bố số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Theo đó, trong vòng 1 năm qua – tính từ ngày 1/7/2015 tới 20/7/2016, các nhà đầu tư đã chi 2,948 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần tại 3.141 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Số vốn các nhà đầu tư nước ngoài đàu tư vào Việt Nam thời gian qua đã phản ánh khá rõ nét về xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) tại
thị trường Việt Nam đối với dòng vốn ngoại
Trong số này, có khoảng gần 1,9 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ góp vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện tại 1.709 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn 1,054 tỷ USD là góp vốn, mua cổ phần tại 1.432 doanh nghiệp khác, mà trong đó phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nhỏ hơn 50%.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, nếu tính riêng trong 7 tháng năm 2016, có 1.284 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là 1,512 tỷ USD. Đây mới chỉ là phần vốn góp tại các doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50%.
Như vậy, cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì con số về vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần đã góp phần quan trọng vẽ nên một bức tranh toàn diện hơn về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nó đã phản ánh khá rõ nét về xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt Nam đối với dòng vốn ngoại và chứng minh sự sôi động của thị trường này.
Nếu tính theo ngành, thì các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Con số cụ thể là đầu tư vào 33 doanh nghiệp, tổng giá trị vốn góp 350,1 triệu USD, chiếm 23,1% tổng giá trị vốn góp.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với 57 dự án, tổng giá trị vốn góp 318,9 triệu USD, chiếm 21% tổng số vốn góp. Lĩnh vực bán buôn có 197 dự án và tổng giá trị vốn góp là 77,3 triệu USD, chiếm 5,1% tổng số vốn góp. Đây cũng chỉ là con số thống kê đối với phần vốn góp, mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn.
Trong 7 tháng qua, đã có 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 107 dự án, tổng giá trị vốn góp 488,4 triệu USD, chiếm 32,3% tổng số vốn góp. Tiếp đó là nhà đầu tư Hàn Quốc, với 331 dự án, tổng giá trị vốn góp 231 triệu USD, chiếm 15,2% tổng số vốn góp. Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đứng các vị trí tiếp theo, với tổng số vốn góp lần lượt là 157 triệu USD, 130,8 triệu USD và 65,8 triệu USD.
Thực tế cho thấy, kể từ thời điểm Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực, hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp ở Việt Nam càng trở nên sôi động hơn. Việc góp vốn, mua cổ phần không phải thực hiện đăng ký đầu tư như với các dự án đầu tư nước ngoài nên nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn phương thức đầu tư này vì vừa không mất thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, vừa nhanh tiếp cận thị trường Việt Nam.
Theo Congluan.vn
Ý kiến của bạn