Ma trận chi phí thách thức sự kiên nhẫn của doanh nghiệp
Sức ép chi phí đang khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh lúng túng với kế hoạch kinh doanh mới.
Mầm… doanh nghiệp
Ông Chử Văn Lâm, chủ hộ kinh doanh Đồ gỗ mỹ nghệ Hoàng Vân (Đồng Kỵ, Bắc Ninh) loay hoay với chiếc máy tính, tần ngần.
“Nhiều khoản phải chi quá!”, ông Lâm nói khi nhìn vào những khoản mục phải chi của một doanh nghiệp, từ lương, bảo hiểm, chi phí công đoàn đến các khoản thuế, phí. Chưa kể, nếu mở doanh nghiệp, ông sẽ còn phải ký hợp đồng với những lao động đang thuê theo thời vụ, đồng thời tuyển kế toán - công việc mà ông đang kiêm nhiệm.
Nhiều cơ sở sản xuất không dám thành lập doanh nghiệp trước thách thức của quá nhiều loại chi phí phải đóng. Ảnh: Đức Thanh |
Trong khi đó, với mô hình hộ kinh doanh, ông chỉ phải nộp thuế môn bài 2 triệu đồng/năm; tiền lương cho công nhân khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng cho khoảng 10 - 50 người, tùy thời điểm trong năm; tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng khoảng 22 USD/m2/năm.
Ông Lâm đã kinh doanh 20 năm nay, nối nghiệp nghề gia đình như nhiều hộ kinh doanh trong làng nghề Đồng Kỵ. “Tôi muốn lập doanh nghiệp, củng cố thương hiệu để làm lớn hơn, nhưng nếu chi phí lớn thì sẽ không cạnh tranh được, vì thị trường đang giảm, trước bán được 10 thì giờ chỉ bán được 3 - 4”, ông Lâm chia sẻ.
Làng nghề Đồng Kỵ đang có khoảng 2.000 hộ kinh doanh như ông Lâm, con số rất lớn so với khoảng 300 doanh nghiệp cùng ngành nghề trong làng. Mặc dù là hộ kinh doanh, nhưng quy mô doanh thu của họ khá lớn, 15 - 20 tỷ đồng/năm... Nhiều hộ muốn mở rộng ra ngoài làng, đi xa hơn, bắt tay với nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ để tìm kiếm thêm cơ hội mới, nhất là khi thị trường Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. Nếu vẫn giữ mô hình hộ kinh doanh cá thể, các kế hoạch này khó thực hiện.
Thậm chí, họ đã tính tới việc góp ruộng đất, cùng đề xuất thành lập Làng nghề khởi nghiệp Đồng Kỵ, với diện tích khoảng 50 ha, để có đủ cơ sở hạ tầng cho chợ gỗ, trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề, khu vực sản xuất với hệ thống công nghệ sấy gỗ, xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường… dùng chung.
“Chúng tôi đang cần mô hình tập trung sản xuất - kinh doanh lớn, chuyên nghiệp để có thể nhận được các hợp đồng lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Các hộ đang rất quyết tâm, sẵn sàng góp tiền để hoàn tất đề án trình UBND tỉnh Bắc Ninh. Các hộ muốn làm ăn chuyên nghiệp để giữ nghề, để phát triển nghề”, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - người đang được giao trách nhiệm xây dựng Đề án thành lập Làng nghề khởi nghiệp Đồng Kỵ cho biết.
Ma trận chi phí
Có lẽ, ông Lâm, ông Vương và các hộ kinh doanh, thậm chí cả các doanh nghiệp của làng Đồng Kỵ chưa tận tường hết ma trận chi phí mà họ phải đối mặt, nếu trở thành doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người đang chủ trì nghiên cứu về chi phí của doanh nghiệp, đã khái quát ma trận này một cách dễ hiểu nhất, đó là “động đến đâu cũng thấy chi phí”.
“Chỉ tiếp cận theo chi phí chính thức, khi doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, họ phải chịu 10 chi phí; đến khi xây dựng nhà xưởng thì có thêm các chi phí xin địa điểm, thẩm định thiết kế, xin giấy phép xây dựng; khi vào vận hành sẽ có thêm các loại lệ phí, chi phí kiểm định, đường sá…”, bà Tuệ Anh phân tích.
Trong các loại chi phí, chi phí tuân thủ các yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh đang thực sự thách thức sự kiên nhẫn của doanh nghiệp.
Kết quả rà soát của CIEM về quản lý chuyên ngành cho thấy, có 414 văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trong đó, có 30 luật và pháp lệnh, 97 nghị định và 287 thông tư. Trong tổng chi phí kiểm tra chuyên ngành mà các doanh nghiệp có liên quan phải bỏ ra lên tới khoảng 14.300 tỷ đồng/năm, đứng đầu là giấy phép nhập khẩu và các yêu cầu tương đương; kiểm tra chất lượng, kiểm tra hiệu suất năng lượng. Số ngày công để hoàn tất các thủ tục này lên tới 28,6 triệu ngày công mỗi năm.
CIEM đang rà soát Danh mục 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Nếu cắt giảm 50% danh mục, như yêu cầu của Chính phủ vừa đưa ra vào tuần trước, thì sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỷ đồng. Viện cũng đang kiến nghị cắt giảm tới 2.000 trong số hơn 4.000 điều kiện kinh doanh hiện hữu.
Nhưng, ma trận chi phí đang có những phát sinh mới. Bắt đầu từ năm 2018, theo Luật Bảo hiểm xã hội, các phí bảo hiểm xã hội sẽ được tính trên tổng mức thu nhập của người lao động, tức là bao gồm cả các khoản phụ cấp ngoài tiền lương, tiền công. Như vậy, tổng các khoản nộp bảo hiểm trích theo lương mà doanh nghiệp phải đóng có thể lên tới 34,5%, thay vì 32% hiện tại. Chưa kể, mức tăng lương tối thiểu năm 2018 đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ là 6,5%.
“Trong khi đó, các khoản giảm thì chưa thấy rõ”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nói.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn