NGÀNH NGỌC TRAI VIỆT NAM, THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
Hơn một ngàn năm trước, ngọc trai đã được nhiều người trên khắp thế giới sử dụng như một vật trang trí và như một biểu hiện của sự giàu có và quyền lực của họ.
(ảnh nguồn internet)
NGÀNH NGỌC TRAI VIỆT NAM, THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
TS. Trần Duy Khanh
1.Vai trò ngọc trai trong đời sống.
Hơn một ngàn năm trước, ngọc trai đã được nhiều người trên khắp thế giới sử dụng như một vật trang trí và như một biểu hiện của sự giàu có và quyền lực của họ. Chúng là loại đá quý lâu đời nhất mà con người biết đến, và là loại đá quý duy nhất được tạo ra bởi một loài động vật sống.
Ngọc trai được xếp vào hàng “ngũ hoàng, nhất hậu” mà thiên nhiên ban tặng. Khác với kim cương hay hồng ngọc, ngọc trai được tạo ra từ sinh vật sống, mang trong mình hàng triệu tế bào sống nên toát ra sự thuần khiết mà khó có loài đá nào có được.
Dựa vào nguồn nước, ngọc trai được chia làm hai loại: ngọc trai nước mặn và ngọc trai nước ngọt. Trai nước mặn thường cho ngọc đẹp và có giá trị kinh tế hơn nhiều lần so với trai nước ngọt. Ngoài ra, dựa theo quá trình tạo ngọc, ngọc trai được chia làm 3 loai: ngọc trai thiên nhiên, ngọc trai nuôi và ngọc trai giả.
Nhu cầu sử dụng ngọc trai trên thế giới ngày càng tăng. Ngoài sử dụng ngọc trai làm đồ vật trang sức, thể hiện sự sang trọng, đẳng cấp; hiện nay ngọc trai còn được sử dụng nhiều trong ngành hóa mỹ phẩm, làm đẹp, như kem dưỡng da ngọc trai, mặt nạ ngọc trai… Trong Đông y, ngọc trai được sử dụng làm thuốc do có tính bình, vị hơi ngọt vào được kinh tâm cam thận, có tác dụng an thần, chữa kinh phong, giải độc, tan màn mây ở mắt, ù tai, chóng mặt…
Trước thế kỷ 20, ngọc trai được khai thác chủ yếu bằng cách các thợ lặn, mò bắt trai, sò ở dưới đáy biển, đáy sông sau đó kiểm tra từng con một. Thông thường khoảng 3 tấn trai sò bắt được thì chỉ có 3 tới 4 con cho những viên ngọc hoàn hảo. Công việc mò ngọc rất nguy hiểm, số lượng ngọc trai khai thác được không nhiều, chính vì thế giá trị của ngọc trai rất đắt và quý hiếm.
Ngày nay công nghệ nuôi cấy trai phát triển, những món trang sức chủ yếu được làm ra từ loại ngọc trai này. Một con trai sẽ được cấy vật lạ (thường là mảnh vỏ con trai được đánh bóng cùng với một mảnh nhỏ mô của con trai khác) vào cơ quan sinh dục của nó để làm xúc tác tạo ngọc.
(ảnh nguồn internet)
2. Sản xuất ngọc trai ở một số nước trên thế giới.
Theo ước tính, các nước trên thế giới sản xuất khoảng 1800 - 2000 tấn ngọc trai mỗi năm. Trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 95% (1600 tấn).
Khu vực Đông Á và Đông Nam Á là khu vực sản xuất nhiều ngọc trai nhất thế giới.
2.1. Trung Quốc. Là nhà sản xuất ngọc trai lớn nhất thế giới, Trung Quốc như một công xưởng sản xuất ngọc trai của thế giới. Theo Hiệp hội Thương mại trang sức và Đá quý Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc đã sản xuất 1.600 tấn ngọc trai, chiếm hơn 95% sản lượng toàn thế giới (chủ yếu là ngọc trai nước ngọt). Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường cung cấp trai nước ngọt lớn nhất cho thế giới (trong đó có Mỹ, với khoảng 30 tấn mỗi năm).
Trung Quốc đã sử dụng những công nghệ mới vào sản xuất ngọc trai, nhằm nuôi cấy ngọc trai với giá rẻ. Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng công nghệ cao như thiết lập trình tự gen của ngọc trai nước ngọt dùng để cấy, phát triển loại ngọc trai tốt hơn, có màu tím sáng, màu hồng và màu đồng những màu sắc hiếm khi nhìn thấy trước đó.
2.2. Nhật Bản. Vốn từ lâu được coi như một cường quốc về sản xuất ngọc trai trên thế giới, từng là quốc gia hàng đầu về sản lượng ngọc trai mỗi năm.
Vì bị khai thác quá nhiều, ngọc trai tự nhiên dần cạn kiệt. Các đây khoảng 100 năm, người Nhật đã nghĩ ra việc nuôi cấy ngọc trai nhân tạo. Nuôi ngọc trai lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20, Kokichi Mikimoto là “ông tổ” đã phát minh ra phương pháp nuôi cấy ngọc trai và phương pháp của ông vẫn được sử dụng cho đến ngày nay (loại ngọc trai Akoya được chính ông Kokichi Mikimoto đã tạo ra từ phương pháp nuôi cấy. Ngọc trai Akoya được nuôi cấy từ giống hàu Akoya, tên khoa học là Pinctada Martensii Fucata - một loại hàu đặc trưng riêng của Nhật Bản tạo nên sự khác biệt với các loại ngọc trai khác. Ngọc trai Akoya. Được biết đến với vẻ ngoài hoàn hảo, màu sắc ưa nhìn và độ sáng bóng như gương chiếu, do vậy ngọc trai Akoya rất dễ sử dụng và được mọi lứa tuổi phụ nữ ưa thích. Ngọc trai Akoya được coi như biểu tượng cho nét đẹp thanh lịch và truyền thống ở người phụ nữ Nhật Bản).
Nhật Bản là nước cung cấp chính ngọc trai nước mặn cho thị trường thế giới. Mỹ chính là khách hàng ngọc trai lớn nhất của Nhất Bản, mỗi năm Mỹ nhập 30 - 40 tấn ngọc trai nước mặn từ Nhật Bản. Hiện nay, ngọc trai mang thương hiệu Nhật Bản không hẳn hoàn toàn đều được nuôi tại Nhật mà còn có ngọc trai được nuôi cấy tại cơ sở mà người Nhật đầu tư ở các nước vùng Đông Nam Á và Nam Á và một số nơi ở vùng biển Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
2.3. Indonexia là một đất nước với trên 17.500 hòn đảo, nằm trải dài trên biển từ Đông sang Tây, có tiềm năng rất lớn về các nguồn lợi thủy hải sản và là quốc gia sản xuất lượng ngọc trai lớn nhất Đông Nam Á.
Indonesia hiện đứng thứ 9 trên thị trường thương mại ngọc trai thế giới, tổng giá trị xuất khẩu ngọc trai hàng năm đạt trên 1,4 tỷ USD, với các điểm đến chủ yếu là Nhật Bản, Hong Kong, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Thụy Sĩ, Ấn Độ , New Zealand và Pháp.
Hiện nay Chính phủ Indonesia hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động sản xuất ngọc trai, đặc biệt là trong các lĩnh vực nuôi trồng, đào tạo nguồn nhân lực và áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới cũng như các thiết bị tiên tiến vào sản xuất ngọc trai, nhất là thông qua sự hợp tác với Nhật Bản. Đồng thời Indonesia chú trọng đến hoạt động xúc tiến sản xuất và xuất khẩu ngọc trai thông qua nhiều chương trình, trong đó có Festival Ngọc trai Indonesia, sẽ được tổ chức ttrong các ngày 27-29/8 hàng năm tại Jakarta.
2.4. Philippine. Ngành nuôi cấy ngọc trai của Philippine hình thành từ khi Công ty South Seas Pearl bắt đầu vào năm 1962. Những năm cuối thập niên 1970, một số công ty không phải của Nhật Bản đã tham gia nuôi cấy ngọc trai tại các đảo phía Nam. Đến năm 1994, đã có 20 trang trại ngọc trai lớn và vừa.Trải qua nhiều năm nghiên cứu, Jewelmer - Công ty sản xuất ngọc trai vàng lớn nhất thế giới liên doanh Pháp - Philippines đã làm chủ được phương pháp nuôi trai lấy ngọc độc đáo
2.5. Tại Mỹ, ngọc trai là hàng trang sức được ưa chuộng ở Mỹ. Nhưng ngọc trai do chính Mỹ sản xuất lại không nhiều, chất lượng thấp. Để thoả mãn nhu cầu Mỹ phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài. Từ năm 1998 đến nay, Mỹ đã tiêu thụ 98% ngọc trai Akoya và 49% ngọc trai nước ngọt của thế giới, Mỹ là thị trường nhập khẩu ngọc trai lớn nhất thế giới, ba thị trường nhập chính là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
3. Sản xuất ngọc trại tại Việt Nam. Trong những năm gần đây ngành ngọc trai VN đã có những bước tiến về chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã ngày càng đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Chất lượng ngọc trai Việt dần được khẳng định trên thế giới và được nâng tầm lên một vị thế mới.
Kể từ năm 1967, Việt Nam đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về nuôi trai lấy ngọc và cho ra đời rất nhiều quy trình công nghệ, từ sản xuất con giống và nuôi cấy các loài, quy trình sản xuất nhân ngọc, dây chuyền công nghệ ngọc trai sau thu hoạch; dây chuyền công nghệ sản xuất nhân ngọc…
Ở Việt Nam, ngọc trai nước mặn đang được nuôi chủ yếu ở các vùng biển Phú Quốc, Hạ Long, Vân Đồn, Khánh Hòa, Vũng Tầu, Côn Đảo…Ngọc trai nước ngọt đang được nuôi và phát triển mạnh trong những năm qua ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, như: Ninh Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Định, Đắk Lắck, Hà Nam, Đồng Nai, …Việt Nam đã hoàn toàn chủ động tổ chức sản xuất khép kín, từ khâu nuôi cấy tới chế tác, tiêu thụ sản phẩm ngọc trai..
(ảnh nguồn internet)
4. Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngọc trai trở thành ngành kinh tế của đất nước:
Việt Nam có khoảng 450.000ha nước mặn và 443.000ha nước ngọt (hầu hết mặt nước lớn của các hồ chứa chưa sử dụng - BNN&PTNT) chưa sử dụng. Những diện tích nước mặn, ngọt này phù hợp nuôi cấy ngọc trai (Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam sử dụng 1% diện tích mặt nước còn hoang hóa ngày để nuôi cấy ngọc trai, tổng doanh thu ngọc thô sẽ đạt ước khoảng 3 - 5 tỷ USD, nếu chế biến thành ngọc thương phẩm, tổng doanh thu ước đạt 10 - 15 tỷ USD. Ngoài ra còn cung cấp cho thị trường khoảng 54.000 tấn vỏ, 568 tấn thịt cơ khép vỏ và 33.400 tấn thịt trai làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành nghề khác).
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ ấm áp quanh năm. Nhiệt độ không khí trung bình hằng năm ở miền Bắc (Quảng Ninh) là 22,7 độ C, Trung bộ (Đà Nẵng) 25,7 độ C, Nam Trung Bộ (Bình Định) 27,1 độ C, Phú Quốc (Kiên Giang) 27,2 độ C. Trai nuôi sinh trưởng đều các mùa vụ, tốc độ tạo ngọc nhanh, có thể cấy ngọc quanh năm, thuận lợi phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai thành một ngành công nghiệp (nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã nuôi cấy ngọc trai tại VN).
Về kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai. Kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, các Công ty Nhật Bản đã đến Quảng Ninh, Phú Quốc mở các công ty nuôi cấy ngọc trai, sản lượng ngọc khoảng 1,5 - 2 tấn/năm. Lượng ngọc trai này tạm xuất về Nhật Bản rồi tái xuất sang các nước khác… Từ những công ty này, nhiều kỹ thuật viên người Việt Nam đã được cử sang Nhật Bản đào tạo bài bản về kỹ thuật nuôi cấy, khai thác, chế tác ngọc trai…và cho đến nay, Việt Nam đã có được đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao với trên 20 năm kinh nghiệm, làm việc cho các công ty ngọc trai Nhật Bản…hoàn toàn làm chủ được công nghệ.
Nhu cầu thị trường. Việt Nam với trên 90 triệu dân, đời sống phát triển, xã hội ổn định, nhiều người có thu nhập cao… Nhu cầu sử dụng ngọc trai làm trang sức, hóa mỹ phẩm, dược phẩm ngày càng lớn…
Việt Nam là đất nước có độ mở lớn, đã ký kết hiệp định thương mại đa phương, song phương thế hệ mới (Hiệp định thương mại tự do - FTA) với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới, với hàng nghìn dòng thuế về từ 0 – 5%.
Bản chất con người Việt Nam ham học hỏi, thông minh, sáng tạo…Đất nước phát triển, Việt Nam đang hình thành đội ngũ doanh nhân mới, doanh nhân toàn cầu..
Đảng, nhà nước đang coi trọng chiến lược phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển đang trở thành định hướng phát triển trong tương lai của Việt Nam.
Nhiều Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam dám dấn thân, đầu tư vào nuôi cấy, sản xuất, chế tác, kinh doanh ngọc trai. Đây là những doanh nhân tiên phong, đi đầu trong việc đưa sản xuất ngọc trai Việt Nam trở thành ngành kinh tế của đất nước.
Như vậy, chúng ta có cơ sở để khẳng định, Việt Nam là quốc gia có lợi thế trong việc phát triển ngành công nghiệp nuôi cấy ngọc trai. Tiềm năng của ngành công nghiệp nuôi cấy ngọc trai ở Việt Nam rất lớn, hiện vẫn đang trong giai đoạn khai thác và phát triển, hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều thương hiệu ngọc trai Việt Nam trên thế giới. Nếu phát triển tốt, đúng hướng, ngành nuôi cấy ngọc trai Việt Nam không chỉ thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
5. Những khó khăn trong phát triển ngành ngọc trai Việt Nam.
Mặc dù nghề nuôi cấy ngọc trai ở Việt Nam ra đời được hơn 50 năm, sớm so với các nước Đông Nam Á nhưng lại chậm phát triển. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, tiềm năng.., ngành sản xuất, kinh doanh ngọc trai Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đó là:
Về tầm nhìn và chính sách vĩ mô: Chưa có sự định hướng, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước đối với những người SXKD ngọc trai, (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có 6 lĩnh vực ưu tiên, nuôi trai lấy ngọc mới được ghép vào lĩnh vực nuôi biển theo nghĩa chung, phát triển ngọc trai chưa thành một ngành kinh tế). Vì vậy, ngành sản xuất ngọc trai chưa được các ngành chức năng coi là đối tượng chủ lực. Và vì thế, dường như không có cơ chế hỗ trợ…
Nhiều chính sách còn bất cập, gây khó khăn cho mở rộng và phát triển nuôi cấy ngọc trai, (ví dụ: Điều 12, Nghị định 27/2005/NĐ-CP ngày 8/5/2005 của Chính phủ quy định: Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá 30ha trong vùng biển 3 hải lý trở vào bờ hoặc không quá 15ha trong vùng biển cách bờ từ 3 hải lý trở ra. Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá 20 năm)…Trong khi đó thực tiễn các doanh nghiệp cần thuê mặt nước rộng và lâu dài…
Các ngành chuyên môn còn lúng túng chưa lựa chọn được đối tượng nuôi phù hợp những diện tích nước mặn, mặt nước ngọt còn hoang hóa. Trong khi mặt nước này rất phù hợp cho nuôi trai lấy ngọc.
Thị trường ngọc trai Việt Nam hiện nay đang bị vấn nạn ngọc trai giả tràn lan tấn công và chèn ép bởi ngọc trai Trung Quốc (là ngọc trai nước ngọt được xử lý chất lượng thấp với giá rẻ).
Một số doanh nghiệp, cá nhân vì lợi nhuận đã đưa ngọc trai Trung Quốc kém chất lượng về tiêu thụ, đội mác thương hiệu ngọc trai Việt Nam.
Doanh nghiệp VN chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa…Nên rất thiếu vốn, thiếu, lao động kỹ thuật, thiếu thị trường, thiếu kinh nghiệm… (nuôi trai nước ngọt)….
Để ngành sản xuất ngọc trai trở thành ngành kinh tế của đất nước, ngọc trai Việt Nam có thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế, phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng, cần có tổ chức HIỆP HỘI NGỌC TRAI VIỆT NAM, đại diện cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, ngư dân nuôi trồng, doanh nghiệp chế tác, kinh doanh, xuất nhập khẩu… với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế… sẽ đem lại lợi ích bền vững, lâu dài cho các doanh nghiệp SXKD ngọc trai Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp, hộ ngư dân nuôi cấy, sản xuất ngọc trai (nước mặn và nước ngọt), với hàng nghìn hộ kinh doanh, xuất nhập khẩu ngọc trai… Đây là lực lượng chủ yếu, nòng cốt để tiến tới thành lập Hiệp hội ngọc trai Việt Nam.
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2022
Ý kiến của bạn