Hội đồng quản trị của Uber đã biểu quyết sớm về việc bổ nhiệm Dara Khosrowshahi - một doanh nhân người Mỹ gốc Iran thay thế vị trí CEO của Travis Kalanick, sau khi CEO của General Electric là Jefffrey Immelt đã rút lui khỏi cuộc đua này. Trước đó, CEO HP là Meg Whitman cũng đã thảo luận về lời đề nghị trở thành CEO của Uber nhưng không đạt kết quả.
Điều đáng nói là trong suốt nhiều tuần ồn ào về chọn lựa của Uber cho vị trí CEO mới, cái tên Khosrowshahi gần như không hề xuất hiện trên truyền thông. Chính vì vậy ngay khi thông tin này được tiết lộ, nhiều người đã đánh giá nhân vật này là ứng viên bí mật, mới được hội đồng quản trị Uber đột ngột nhắm đến.
"Lẫy lừng" với Expedia
Khosrowshahi sinh ra tại Tehran và chuyển đến New York, Mỹ cùng gia đình khi 9 tuổi, đúng thời điểm xảy ra cuộc cách mạng Iran. Bên cạnh vai trò CEO của Expedia, ông còn là một phần trong ban quản trị công ty mẹ của tạp chí New York Times.
Khosrowshahi nổi tiếng khi làm lãnh đạo ở Expedia bằng việc đánh bại mọi đối thủ một cách không khoan nhượng, liên tục mua các startup du lịch non trẻ và đầu tư mạnh vào công nghệ để luôn "đi trước đón đầu".
Anh cho rằng: "Mỗi phút ngừng tiến bộ trên Internet, ai đó sẽ đuổi kịp và thậm chí vượt bạn".
Khosrowshahi nắm quyền lãnh đạo Expedia kể từ năm 2005. Anh chính là người có công trong việc mở rộng sự hiện diện ra toàn cầu của Expedia thông qua hàng loạt thương hiệu đặt dịch vụ du lịch trực tuyến bao gồm Expedia.com, Hotels.com và Hotwire.
Thời điểm năm 2005, khủng hoảng tài chính bùng nổ thì anh vẫn là một nhà sáng lập còn quá trẻ tuổi và thực tế trong suốt 1 năm đầu nắm quyền, anh đã không thể chứng minh được gì ở công ty.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi, sau khi một kỹ sư tới và nói với anh rằng: "Dara, anh đang bảo chúng tôi phải làm gì nhưng lại không nói với chúng tôi rằng mình cần phải tới đâu".
"Đó thức sự là khoảnh khắc khiến quan điểm về việc CEO phải làm gì của tôi thay đổi hoàn toàn. Một CEO của công ty toàn cầu không thể chỉ nói nhân viên phải làm gì mà bản thân phải tự tìm lối đi", Khosrowshahi chia sẻ.
Kể từ đó, Expedia đã thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Dara mặc cho những mối đe dọa từ nhiều đối thủ mới gồm cả Airbnb và những công ty lâu đời như Google. Cổ phiếu của Expedia hiện đã tăng hơn 6 lần so với thời điểm công ty mới IPO vào năm 2005.
Đó là mức tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn là con số nhỏ bé nếu so với cổ phiếu của Priceline với mức tăng hơn 80 lần so với thời điểm năm 2005.
Khosrowshahi đã đưa Expedia tới thành công bằng việc tập trung vào tốc độ tăng trưởng và thống trị trong ngành công nghiệp đặt dịch vụ du lịch, đặc biệt là lĩnh vực phòng khách sạn và chỗ ở.
Chỉ trong vài năm, họ đã lần lượt mua lại Triago, Orbitz, Travelocity và Egencia để truy cập vào được dữ liệu khổng lồ về thói quen du lịch của khách hàng. Đặc biệt trong số này là thương vụ mua lại Orbitz với mức giá 1,6 tỷ USD vào năm 2015, đưa Expedia trở thành công ty cung cấp dich vụ du lịch trực tuyến lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Priceline.
2 năm trước, Expedia cũng thâu tóm đối thủ của Airbnb là HomeAway, chính thức tham gia vào lĩnh vực thuê nhà đang phổ biến.
Khosrowshahi trở thành CEO nhận lương cao nhất tại Mỹ vào năm 2015 với mức gần 95 triệu USD nhờ lượng cổ phiếu thưởng khổng lồ sau khi anh ấy đồng ý ở tại Expedia cho tới hết năm 2020.
Lớn lên tại New York, Khosrowshahi theo học chuyên ngành kỹ sư điện tử tại Đại học Brown và trở thành một nhân viên ngân hàng đầu tư sau khi tốt nghiệp. Anh đã trở thành Phó chủ tịch tại ngân hàng Allen&Company - làm việc dưới chướng chủ tịch Barry Diller.
Khởi đầu khó khăn
Trở thành CEO của Uber chắc chắn là công việc "không dễ xơi" và đầy thử thách bởi công ty trị giá 70 USD này đang trong vòng hỗn loạn bởi nhiều bê bối.
Mảng kinh doanh của Uber đã trải qua hàng loạt khó khăn từ bê bối xâm hại tình dục trong công ty đến văn hóa làm việc tồi tệ, áp lực về chính trị, và cuộc chiến pháp lý với cả Alphabet…
Bên cạnh đó, một rào cản nữa với Khosowshahi tới từ chính vị cựu CEO của công ty này. Travis Kalanick có thể không còn nắm vị trí điều hành hoạt động của công ty nhưng ông vẫn là một trong những nhà sáng lập của hãng và vẫn có ghế trong hội đồng quản trị với 10% cổ phần và 16% quyền biểu quyết.
Khosowshahi sẽ phải gánh trên vai trọng trách đưa công ty quay trở lại tốc độ tăng trưởng như hồi trước năm 2017. Những vị sếp quan trọng khác của công ty cũng đã rời bỏ hãng gồm có Phó chủ tịch cấp cao Jeff Jones, Chủ tịch châu Á Thái Bình Dương Eric Alexander. Công ty hiện cũng không có Giám đốc tài chính.
Trở thành lãnh đạo Uber thời điểm này có thể là môt bước chuyển mình lớn đối với Dara – ít nhất ở một điểm – anh ấy sẽ trở thành nhà lãnh đạo của công ty dẫn đầu trong cả một ngành công nghiệp.
Ý kiến của bạn