Top 30 người giàu "khai xuân" Quý Mão: Ông Trần Đình Long thăng hạng mạnh nhất, trở lại vị trí thứ 2 trên TTCK, hơn một nửa đại diện tăng trên 10%
6 vị tỷ phú người Việt nắm giữ khối tài sản 257.000 tỷ đồng tại ngày 26/1, chiếm hơn 60% tài sản của cả top 30 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam "khai xuân" đầu năm Quý Mão với diễn biến đầy khởi sắc. Kết thúc phiên giao dịch 27/1, VN-Index tăng 9,02 điểm (+0,81%) lên 1.117,1 điểm, đưa tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán hồi phục đáng kể.
Thống kê cho thấy, tại ngày 26/1/2023, top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán sở hữu khối tài sản hơn 432.000 tỷ đồng. Tính từ phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 (30/12/2022) cho đến nay, con số này đã tăng lên gần 34.000 tỷ và danh sách cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số gương mặt mới.
Mã VIC của Vingroup tăng mạnh hơn 3%, áp sát vùng giá 6x giúp ông Phạm Nhật Vượng "bỏ túi" thêm 12 nghìn tỷ đồng, ông hiện sở hữu khối tài sản 131,5 nghìn tỷ. Những người liên quan đến nhà Vingroup cũng đều ghi nhận tài sản tăng đến 10% còn có bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thuý Hằng.
Trái ngược với KQKD thê thảm nhất trong lịch sử trong quý 4/2022 của Hoà Phát, cổ phiếu HPG những ngày đầu năm 2023 ghi nhận sự hồi phục nhẹ lên trên vùng giá 2x.
Với hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG đang nắm giữ, tài sản của Chủ tịch Hoà Phát đã thăng hạng mạnh nhất trong danh sách với tổng giá trị 32,6 nghìn tỷ, tương đương tăng 19%.
Cuộc đua top 2 vẫn đang gay cấn khi bộ đôi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh bám sát ông Long với tài sản trên 32.000 tỷ.
Vị trí lẫn tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet Air) và ông Bùi Thành Nhơn không biến đổi nhiều so với năm ngoái.
Tổng cộng, 6 vị tỷ phú người Việt nắm giữ khối tài sản 266.000 tỷ đồng tại ngày 26/1, chiếm hơn 60% tài sản của cả top 30 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong danh sách, có đến 17/30 người ghi nhận tài sản tăng trên 10%. Trong đó, có 6 đại diện liên quan đến cổ phiếu VPB áp đảo bảng xếp hạng.
Chủ tịch Sunshine Homes Đỗ Anh Tuấn là người rớt hạng mạnh nhất. Trước đó, ông vẫn thường xuyên là gương mặt cạnh tranh sát sao ở vị trí top 2 với các tỷ phú đô la. Tuy vậy hiện đã rơi xuống top 5 với tài sản giảm 6% còn hơn 18,5 nghìn tỷ.
Một số đại gia bất động sản cũng "rớt hạng" so với năm ngoái còn có Chủ tịch Phát Đạt, chủ tịch Kinh Bắc City, Kosy Group.
Ý kiến của bạn